Quy hoạch- kế hoạch

Kế hoạch phát triển

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015
 Năm 2015 là năm có vai trò quyết định trong việc thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND ngày 23/12/2010 của HĐND tỉnh. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, cách ngành phải nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015. Trong bối cảnh đó, mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đặt ra là:

I.  MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2014. Triển khai mạnh mẽ các chính sách của Trung ương trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước giữ vững ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô. Phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đã đề ra. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và mức thụ hưởng văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Phát triển và mở rộng các mối quan hệ đối ngoại và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015:

- Tăng trưởng kinh tế (giá cố định 2010) GRDP tăng 15,63%, trong đó: Khu vực nông nghiệp (KV1) tăng 7,59%; khu vực công nghiệp - xây dựng (KV2) tăng 25,88%; khu vực dịch vụ (KV3) tăng 19,85% ([1]).

- GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 37,55 triệu đồng;

- Cơ cấu kinh tế (giá hiện hành): KV1: 48,04%; KV2: 28,96%; KV3: 23%;

- Tổng mức hàng hoá bán lẻ trên địa bàn 12.000 tỷ đồng;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD; Tổng kim ngạch nhập khẩu 120 triệu USD;

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.305 tỷ đồng; Chi ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.445 tỷ đồng;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.862 tỷ đồng;

- Kết cấu hạ tầng thiết yếu: Tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông: Tỉnh lộ 100%; Huyện lộ 80%; 1 - 2km đường bon, buôn 100%; Tỷ lệ đáp ứng nguồn nước tưới cho diện tích có nhu cầu 68%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện 95%; Tỷ lệ bon, buôn có điện lưới quốc gia là 99% (so với kỳ gốc năm 2014).

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,3%; Mức giảm sinh 0,9‰; Tỷ lệ xã, thị trấn có trạm y tế 74,6%; Số giường bệnh/vạn dân 15,5 giường; Số bác sỹ/vạn dân 6,2 bác sỹ; Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế 25%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 22%; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 70%;

- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 1,3%; Mức giảm sinh 0,9‰; Tỉ lệ xã, thị trấn có trạm y tế 74,6% (đạt 53/71 xã); Số giường bệnh/vạn dân 15,5 giường; Số bác sỹ/vạn dân 6,2 bác sỹ; Tỉ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế 25% (đạt 22/71 xã); Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 22%; Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 70%;

- Tỷ lệ xã phổ cập trung học cơ sở 100%; Số trường học ở các cấp học mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia 7 trường; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mẫu giáo 98%; Số xã, phường phổ cập mầm non 5 tuổi tăng thêm 7 xã (đạt 71/71 xã);

- Số lao động được giải quyết việc làm 19.000 người; Đào tạo nghề 5.700 lượt người;

- Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 75%; Tỷ lệ bon/buôn tổ dân phố văn hóa đạt 60%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn văn hóa 14%; Cơ quan văn hóa 85%;

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%; Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 5-6%;

- Mỗi xã đạt tăng thêm 02 tiêu chí về nông mới; Xã điểm đạt tăng thêm 03 tiêu chí; Phấn đấu 08 xã cơ bản được công nhận nông thôn mới.

- Tỷ lệ giảm các vụ phá rừng trái phép 50% (Giảm số vụ và diện tích so với năm 2014).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 cần triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1. Về phát triển kinh tế:

Triển khai các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Trung ương, tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt cao hơn so với năm trước. Triển khai thực hiện Chỉ thỉ số 17/CT-UBND ngày 07/10/2014 của UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

2. Về lĩnh vực công nghiệp:

- Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của các nhà máy và cơ sở chế biến, gia công công nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt trên 25%. Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và ưu tiên các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: Phát triển khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng... Đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, nhất là công nghiệp luyện nhôm, hạn chế và tiến tới không xuất khẩu khoáng sản thô theo định hướng của Chính phủ. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tăng công suất của các nhà máy đang hoạt động, khôi phục hoạt động của các nhà máy đang tạm ngừng hoạt động. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến hoạt động.

- Hỗ trợ nhà đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án, đồng thời đôn đốc Tập đoàn TKV đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành, đưa Nhà máy Alumin Nhân Cơ vào hoạt động trong quý II/2015. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông và trạm biến áp 700 MW, tại Khu công nghiệp Nhân Cơ. Vận động vốn Trung ương hỗ trợ xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ.

- Kêu gọi đầu tư dự án vào các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Tâm Thắng, các cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng như cụm công nghiệp Đắk Ha, Thuận An. Khảo sát, rà soát hệ thống hạ tầng cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện đến từng bon, buôn, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện. Hoàn thành thủ tục đầu tư, đảm bảo tiến độ dự án Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 theo tiến độ Chính phủ đề ra.

3. Về lĩnh vực nông nghiệp:

- Đẩy mạnh sản xuất và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt trên 7,5%. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và dịch vụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, nâng cao tỷ lệ hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới theo tiến độ đề ra, phấn đấu năm 2015 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 của Chính phủ. Nâng cao năng lực quản lý, sản xuất cho người dân địa phương thông qua phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến lâm. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa.

- Định hướng và xây dựng các chính sách phát triển chăn nuôi quy mô theo hướng tập trung trang trại lớn, kết hợp với trang trại vừa và nhỏ tùy theo điều kiện từng địa phương. Lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án nhằm tiếp tục triển khai đạt kết quả cao Chương trình phát triển đàn bò lai trên địa bàn tỉnh. Tập trung tạo điều kiện cho Tập đoàn Đức Long và Tập đoàn Trường Thành triển khai hai dự án lớn về chăn nuôi bò, Công ty Mắc ca Nữ hoàng triển khai dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức.

- Tiếp tục thực hiện chương trình tái canh cây cà phê. Khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm, phù hợp với định hướng chung của tỉnh. Tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc, tư­ới nư­ớc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh theo quy trình nông nghiệp bền vững, nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngăn chặn bùng phát và lây lan các dịch bệnh. Tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng giống, phân bón, đảm bảo cung ứng giống tốt, giống thuần thay thế các giống thoái hóa, kém chất lượng. Rà soát, tổng hợp các công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn để xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo nước tưới vào mùa khô, điều tiết nước vào mùa mưa, đảm bảo an toàn hồ, đập.

- Đẩy nhanh việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, tỷ lệ che phủ rừng. Tăng cường các biện pháp cấp bách để quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng có hiệu quả. Rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng gắn với quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp. Ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả tình trạng chặt phá rừng, phấn đấu giảm 50% số vụ và diện tích rừng bị phá so với năm trước, bố trí quỹ đất để các đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế.

- Triển khai tốt, lồng ghép có hiệu quả dự án 3EM, dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên (do ADB tài trợ) và dự án Giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên (do WB tài trợ) theo đúng kế hoạch, nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất cho người dân vùng dự án.

4. Về phát triển dịch vụ và du lịch:

- Duy trì tốc độ phát triển năng động, phấn đấu ngành dịch vụ và du lịch đạt mức tăng trưởng trên 19%. Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng thị trường, thực hiện chính sách đưa hàng về nông thôn; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

- Nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, đặc biệt trong các dịp lễ, tết để kịp thời điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong tỉnh, vùng xa trung tâm huyện, thị xã. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án Trung tâm thương mại.

- Quảng bá các khu du lịch, khuyến khích kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu du lịch trọng điểm. Rà soát các điểm, khu du lịch trên địa bàn, phối hợp với các chủ dự án thực hiện đầu tư tập trung, đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch như Khu du lịch sinh thái thác Đrây Sáp - Gia Long; Khu thác Lưu Ly - thiền viện Trúc Lâm...  Khảo sát, lập hồ sơ trình Bộ Tài nguyên môi trường công nhận Hệ thống hang động núi lửa thuộc địa bàn huyện Đắk Mil là công viên địa chất quốc gia.

- Khuyến khích phát triển mạng lưới ngân hàng, mở thêm chi nhánh, điểm giao dịch; tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, hướng dòng vốn vào phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Phát triển dịch vụ vận tải công cộng; tăng cường dịch vụ vận chuyển về các điểm du lịch, khu và các cụm công nghiệp; mở rộng địa bàn phục vụ đến các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường nhằm tăng cường kỷ cương, trật tự thị trường; ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến, để bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

5. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển:

- Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Tiếp tục tăng cường các biện pháp vận động tài trợ và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, NGO. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư FDI. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển thông qua việc áp dụng đa dạng các hình thức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ban hành quy định cụ thể hướng dẫn trên địa bàn tỉnh sau khi Chính phủ ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh về thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

- Phối hợp tốt với các nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và chính sách đền bù đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất, không để xảy ra khiếu kiện. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đối với các dự án giao thông huyết mạch như Quốc lộ 14, 14C, đường tránh đô thị Gia Nghĩa,... đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đôn đốc, theo dõi chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) xây dựng hoàn trả 22 km đường Tỉnh lộ 5, đầu tư hoàn thiện 03 km đường Tỉnh lộ 3. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức nước ngoài, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ.

- Hoàn tất các thủ tục để khởi công mới ngay từ đầu năm kế hoạch đối với các dự án đã được Trung ương thẩm định vốn. Tái cơ cấu đầu tư công theo Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế ở tất cả các ngành, lĩnh vực, ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư. Tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, giải quyết dứt điểm nợ đọng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đúng quy định về quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định và quyết định đầu tư theo Luật Đầu tư công. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu trong quy trình đầu tư dự án công.

- Định hướng xây dựng Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng đến "2 tập trung, 3 đột phá" thực hiện các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn Trung ương tập trung xây dựng các tuyến giao thông liên kết liên vùng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội.

- Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện nhất, tăng cường cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện chỉ số cạnh tranh PCI; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Triển khai thực hiện Chiến lược thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020. Thiết lập đường dây nóng, thường xuyên tổ chức đối thoại để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Xây dựng các dự án tiền khả thi để quảng bá, giới thiệu với doanh nghiệp về quy hoạch, chính sách, nguyên liệu…thu hút đầu tư.

- Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn cổ phần không cần nắm giữ, tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và dịch vụ công ích. Thực hiện Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

- Thực hiện các biện pháp tăng nguồn thu, trong đó chú trọng các nguồn thu từ sản xuất kinh doanh, thu tiền sử dụng đất. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng công khai quy trình thủ tục; hỗ trợ, hướng dẫn, phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế. Kiểm tra chống gian lận thuế qua giá, hạn chế tình trạng để doanh nghiệp khiếu kiện.

- Thực hiện rà soát các khoản chi chưa cấp thiết để bố trí trả nợ vay, nợ đầu tư phát triển. Thực hiện cơ chế hỗ trợ trên cơ sở nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp, thực hiện nghiêm túc những chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các cơ sở được xã hội hoá, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để huy động cao nhất các nguồn lực ngoài ngân sách cho mục tiêu phát triển.

6. Phát triển giáo dục và đào tạo:

- Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Trung ương quy định. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, từng bước khắc phục thiếu công trình vệ sinh trường học, hoàn thành việc đầu tư xây dựng đề án kiên cố hóa trường mầm non vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong nhà trường. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

- Tăng cường đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục, đào tạo, đặc biệt ở cấp học mầm non và dạy nghề. Duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là thực hiện Đề án xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại các trường mầm non, trường học phổ thông.

7. Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:

- Tăng cường hiệu quả mạng lưới y tế, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Mở rộng và phát triển nhanh mạng lưới y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân. Nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá thuốc, thường xuyên kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định.

- Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu trên 70% dân số có bảo hiểm y tế. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân Tây Nguyên giai đoạn 2 (do ADB tài trợ) và các bệnh viện tuyến huyện (vốn trái phiếu Chính phủ). Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho các trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện sắp đi vào hoạt động. Tiếp tục thực hiện kết hợp quân dân y trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân ở vùng miền núi, biên giới.

8. Phát triển văn hóa, xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ:

- Tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở các cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao. Tăng cường quản lý các lễ hội, hoạt động văn hoá, thể thao; hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho thanh niên. Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng và phát triển hình mẫu gia đình văn minh, hạnh phúc. Tiếp tục thực hiện bảo đảm bình đẳng giới.

- Phổ biến pháp luật đến người dân. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản; tăng thời lượng phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình địa phương tới các vùng sâu, vùng xa. Tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân; nhất là tình trạng khiếu kiện kéo dài, tranh chấp đất đai, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

- Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó chú trọng nghiên cứu các mô hình nông nghiệp chất lượng cao. Thực hiện công khai, nhân rộng các đề tài nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đã thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo lập thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương. Thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình phối hợp công tác thông tin, truyền thông đối ngoại tại các khu vực biên giới giai đoạn 2012 - 2020.

9. Phát triển an sinh xã hội, đội ngũ lao động:

- Phấn đấu vượt kế hoạch đề ra mục tiêu giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện lao động, an toàn, bảo hộ lao động; nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động. Nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, chủ động đào tạo cung cấp lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Công tác đào tạo nghề phải gắn kết với các kế hoạch của tỉnh về nông nghiệp công nghệ cao, khuyến nông viên cơ sở, các vùng sản xuất chuyên canh.

- Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội với người có công, bảo trợ xã hội, công tác xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống đối với người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

10. Tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

- Lồng ghép và thực hiện các chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược bảo vệ môi trường, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đề ra các giải pháp thực hiện tại địa phương.

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếp tục nâng cao tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Ngăn chặn việc khai thác trái phép, lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên; kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và chất thải nguy hại.

- Tăng cường khả năng điều tiết các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường khả năng tích nước cho mùa khô, thực hiện tốt công tác trồng rừng thay thế, đặc biệt là các dự án thủy điện; chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả tình trạng chặt phá rừng; tăng cường các biện pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

11. Cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

- Nâng cao chất lượng ban hành văn bản, đảm bảo tính phù hợp, khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai thực hiện. Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, cụ thể hóa các phải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.

- Cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định vị trí việc làm hiệu quả. Xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu quả. Giao nhiệm vụ gắn với cân đối đủ nguồn lực và thời gian thực hiện, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, tạo sự công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước.

- Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản của nhà nước.

12. Công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh:

- Thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Trung ương, tăng cường hợp tác với các đối tác, định chế tài chính quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác và các tổng công ty lớn của Trung ương. Đẩy mạnh mở rộng quan hệ kinh tế với tỉnh bạn Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) và tỉnh Jeollanamdo (Hàn Quốc).

- Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh cả về tiềm lực và thế trận, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Phấn đấu hàng năm hoàn thành kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ; hoàn thành các chỉ tiêu về động viên, xây dựng lực lượng, tuyển quân do Trung ương giao.


[1] Tăng trưởng cao do năm 2015, dự kiến nhà máy Alumin đi vào hoạt động, dự kiến sản xuất 200.000 tấn trong năm 2015, đóng góp cho khu vực Công nghiệp hơn 1.200 tỷ đồng giá trị tăng trưởng; Tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhà máy Luyện nhôm Đắk Nông, Quốc lộ 14, Quốc lộ 28, Đường tránh đô thị Gia Nghĩa… Đầu tư mở mới: Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê, đường Đắklao đi Thuận An, đường Vành đai tây nam huyện Đắk Song, tỉnh lộ 3, đường Đức An - Nam Bình… Một số trung tâm thương mại đi vào hoạt động.

File đính kèm:
Các bài viết khác

 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 474
ngày hôm nay 3602
ngày hôm qua 3273
tuần này 14858
tất cả 253871