Chuyên đề

Đề án PCI

Triển khai Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2018
Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2018
   I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH ĐẮK NÔNG

1. Một số kết quả đạt được:

-  Trên cơ sở Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI đã được UBND tỉnh ban hành, các đơn vị đầu mối đã xây dựng Kế hoạch cải thiện chỉ số thành phần được giao phụ trách và chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện.

- Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết thông qua các Hội nghị đối thoại, các buổi tiếp làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân và qua các đoàn kiểm tra.

- Tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao; công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng được chú trọng, nhiều hội chợ thương mại, triển lãm đã được tổ chức tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, chất lượng công tác đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

- Các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã được triển khai tích cực; chính sách về thu hút đầu tư được điều chỉnh, bổ sung theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư; chỉ số tiếp cận đất đai, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể, các dịch vụ công trực tuyến, quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được áp dụng rộng rãi.

2. Tồn tại, hạn chế:

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, môi trường kinh doanh và thực trạng công tác cải thiện chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể như:

- Qua kết quả chấm điểm chỉ số PCI năm 2017 thì có 5 chỉ số giảm điểm, với tổng điểm 3,68 điểm, trong khi đó tổng các chỉ số giảm điểm năm 2016 là 0,83 điểm. Các chỉ số giảm điểm nhiều trong năm 2017, gồm: Chi phí gia nhập thị trường -1.33 điểm, giảm 18 bậc; Tính minh bạch giảm -0.07 điểm, giảm 5 bậc; Chi phí thời gian giảm -0.85 điểm, giảm 29 bậc; Chi phí không chính thức giảm -1.25 điểm, giảm 32 bậc; Thiết chế pháp lý giảm -0.18 điểm, giảm 6 bậc. Chỉ số có cải thiện đáng kể là: Tiếp cận đất đai tăng  +1.07 điểm, tăng 18 bậc; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh tăng +0.87 điểm, tăng 6 bậc.

- 02/10 chỉ số thành phần và 35/104 chỉ số phụ đạt mục tiêu đề ra, gồm: Tiếp cận đất đai (Sở Tài nguyên và môi trường làm đầu mối thực hiện) và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện); Có 8/10 chỉ số thành phần và 69/104 chỉ số phụ không đạt kết hoạch đề ra, gồm: Chi phí gia nhập thị trường và Cạnh tranh bình đẳng (Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện); Tính minh bạch (Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện); Chi phí thời gian (Sở Nội vụ làm đầu mối thực hiện); Chi phí không chính thức (Thanh tra tỉnh làm đầu mối thực hiện); Tính năng động tiên phong của lãnh đạo (Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối thực hiện); Đào tạo lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối thực hiện) và Thiết chế pháp lý (Sở Tư pháp làm đầu mối thực hiện).

- Không duy trì được đà tăng điểm để tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng PCI (những chỉ số thành phần giảm điểm năm 2016 lại tăng năm 2017; những chỉ số tăng điểm năm 2016 lại giảm năm 2017), điều nay cho thấy các cơ quan được giao làm đầu mối, những cơ quan được giao cải thiện chỉ số phụ chưa quan tâm đúng mức trong việc cải thiện và có sự chủ quan trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu mà UBND tỉnh giao.

- Có 19/24 chỉ số phụ mới được doanh nghiệp đánh giá không tốt (thấp hơn điểm trung vị), trong đó có một số chỉ số như: Việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi và nhanh chóng (31,03%, trung vị: 28,57%); Các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh (77,27%, trung vị: 83,33%); Thông tin mời thầu được công khai (33,33%, trung vị: 50%); Doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp (62,96%, trung vị: 71,43%); Nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp (16.85%%, trung vị: 13.46%); Doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức (CPKCT) cho cán bộ thanh, kiểm tra (59.79%, trung vị: 51.85%); Doanh nghiệp có chi trả CPKCT trong thực hiện TTHC đất đai (36.36%, trung vị: 32.00%); Chi trả CPKCT là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu (57.45%, trung vị: 54.90%); DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan nhà nước tỉnh (65%, trung vị: 76.67%); Doanh nghiệp bị mất trộm tài sản năm qua (23.47%, trung vị: 13.59%); Phải trả tiền 'bảo kê' cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn (6.98%, trung vị: 2.86%).

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

- Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng với thời gian nhanh nhất nhằm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và xây dựng bộ máy chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, hiệu quả”.

- Phấn đấu năm 2018 tăng 3-5 bậc so với năm 2017; cải thiện và nâng dần điểm số, thứ hạng PCI của tỉnh những năm tiếp theo nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá, xếp ở vị trí từ 40-50 trên 63 tỉnh/thành phố.

2. Phương án thực hiện mục tiêu

- UBND tỉnh giao trách nhiệm chủ trì, làm đầu mối cải thiện các chỉ số thành phần và từng chỉ tiêu trong chỉ số thành phần như phân công tại Phụ lục đính kèm. Đơn vị được giao làm đầu mối cải thiện chỉ số thành phần có trách nhiệm đăng ký chỉ số mục tiêu hàng năm; các Sở, ngành còn lại chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị được giao làm đầu mối để thực hiện các chỉ tiêu trong chỉ số.

- UBND tỉnh thành lập Tổ giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Đắk Nông do 01 lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ: kiểm tra, giám sát các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Đắk Nông; đề xuất UBND tỉnh kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện; Kiến nghị hình thức, biện pháp xử lý đối với các đơn vị đầu mối, các cơ quan phối hợp thực hiện chỉ số thành phần khi chưa bảo đảm mục tiêu hoặc đánh giá chất lượng quản lý điều hành liên quan đến doanh nghiệp không được cải thiện, suy giảm; biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị đạt và vượt mục tiêu, được doanh nghiệp đánh giá cải thiện tốt.

III. GIẢI PHÁP

Để đạt được mục tiêu cải thiện chỉ số PCI trong năm 2018, UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất: Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình nhận thức đúng về đối tượng chấm điểm, nội hàm của các chỉ số thành phần PCI để cùng thống nhất và hành động.

Thứ hai: Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chủ động giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng trong thời gian nhanh nhất, với chi phí thấp nhất, hiệu quả nhất. Hỗ trợ doanh nghiệp để được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của tỉnh. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm Thủ trưởng đơn vị nào không thực hiện, thực hiện không hiệu quả nội dung chỉ đạo này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường công tác nắm bắt thông tin, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc triển khai các dự án đầu tư để chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua việc triển khai tốt mô hình “Cà phê doanh nhân” và các chương trình đối thoại doanh nghiệp. Qua đó, cải thiện chỉ số phụ “Thái độ của chính quyền địa phương với khu vực kinh tế tư nhân”. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh phê bình những đơn vị chậm trễ trong việc trả lời, trả lời không đầy đủ, hoặc không giải quyết triệt để, nhanh chóng các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và công khai để các doanh nghiệp và nhà đầu tư biết.

Thứ ba: Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các nhóm giải pháp tập trung vào 4 khía cạnh:

(1) Cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả hơn:

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã tiến hành rà soát, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đúng chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng, nghiệp vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp và có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với lực lượng này; cần có cơ chế, chính sách trong việc luân chuyển cán bộ, công chức giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực này để chấn chỉnh, điều động, bổ sung kịp thời.

- Thủ trưởng các đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, tạo sự yên tâm cho cán bộ, công chức khi linh động xử lý những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp đối với trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng liên quan đến những hồ sơ nhạy cảm, phức tạp nhưng có tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó cũng phải xử lý nghiêm những cán bộ, công chức cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ.

- Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Tổ của tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất (không báo trước) các trung tâm hành chính, văn phòng đăng ký đất đai, tổ một cửa của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện về kết quả giải quyết thủ tục và thái độ ứng xử của cán bộ, công chức thi hành công vụ,…

- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh về kinh phí mua sắm, lắp đặt hệ thống camera quan sát tại Bộ phận một cửa, tiếp nhận và trả kết quả của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư.

(2) Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục:

- Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với các Sở, ngành để lập danh mục thủ tục hành chính, những công việc được tư vấn, hỗ trợ miễn phí; những công việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư có phí, mức phí. Trong đó, cần quy định cụ thể phương thức liên hệ, thời gian hỗ trợ, đồng thời công khai những nội dung này trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các đơn vị.

- Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hành chính công tỉnh) phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành trong việc hướng dẫn, cung cấp biểu mẫu, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành bộ hồ sơ, tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Đồng thời tạo kênh liên hệ giữa cán bộ tiếp nhận hồ sơ (Trung tâm hành chính công tỉnh) và phòng chuyên môn của các Sở, ngành để trao đổi trong quá trình tiếp nhận và xử lý. Trường hợp cần thiết phòng chuyên môn phải trực tiếp sang Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hành chính công tỉnh) chủ động thông báo cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trước ít nhất 0,5 ngày làm việc những hồ sơ đã hết hạn xử lý nhưng không xử lý kịp, nguyên nhân của sự chậm trễ, đồng thời phải gửi thư xin lỗi doanh nghiệp, nhà đầu tư.

(3) Thủ tục giấy tờ đơn giản:

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Công ty Điện lực Đắk Nông, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan rà soát thủ tục hành chính, qua đó rút ngắn quy trình (bỏ bớt các khâu trung gian), mẫu hóa toàn bộ biểu mẫu, chi tiết hóa các nội dung và ghi cụ thể những nội dung cần phải lưu ý trong biểu mẫu mà doanh nghiệp thường hay mắc phải, giảm tối thiểu ít hơn 20% thời gian so với điểm trung vị đối với các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực sau: Đăng ký doanh nghiệp; Cấp chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư; Cấp giấy phép xây dựng; Giao đất, cho thuê đất; Phòng cháy chữa cháy; Tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp; Thủ tục hành chính về thuế trên 3 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế.

(4) Phí và lệ phí được công khai tại các cơ quan nhà nước:

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thực hiện việc rà soát để lập danh sách thủ tục hành chính không thu phí, lệ phí và danh sách thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí, nơi nộp phí, lệ phí và hình thức nộp phí, lệ phí (nộp trực tiếp hay chuyển tài khoản, ưu tiên hình thức nộp phí, lệ phí theo chuyển khoản). Thông báo số tài khoản thu phí của Trung tâm Hành chính công tỉnh và các đơn vị có liên quan cho doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư thực hiện việc nộp phí, lệ phí được thuận lợi và dễ dàng. Đồng thời, công khai đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin của các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã.

Thứ tư: Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2018: Thanh tra tỉnh rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2018 với mục tiêu 01 doanh nghiệp chỉ thanh tra, kiểm tra 01 lần/01 năm, trình UBND tỉnh cho ý kiến trước khi phê duyệt. Thanh tra tỉnh công khai đường dây nóng, cơ quan tiếp nhận phải ánh của doanh nghiệp về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước, hàng quý báo cáo tình hình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về UBND tỉnh.

Thứ năm: Nâng cao tính minh bạch thông tin và tạo môi trường để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, động lực để khởi nghiệp:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát tất cả các quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể để đề xuất xử lý phù hợp với Luật Quy hoạch. Đồng thời, công khai các quy hoạch, tài liệu ngân sách hàng năm trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư (các đơn vị còn lại tạo mục liên kết đến 2 trang này để tạo sự thống nhất và đầy đủ); Công khai các tài liệu về đấu thầu, thông tin mời thầu, tổ chức bán công khai hồ sơ mời thầu và kết quả trả lời doanh nghiệp, nhà đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (Đơn vị phối hợp gồm Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có liên quan).

- Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư. Công khai danh mục chương trình, tổng kinh phí hỗ trợ; danh sách và kinh phí mà nhà đầu tư đã được hưởng. Hàng năm, tỉnh phải ưu tiên một phần ngân sách để thực hiện chính sách này.

- Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã tạo điều kiện, ưu tiên cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào các gói đấu thầu, đấu giá dự án, đất đai, gói thầu thiết bị,... trong khuôn khổ quy định của pháp luật mà doanh nghiệp tỉnh có khả năng thực hiện, để tạo thêm việc làm, mở rộng sản xuất kinh doanh, động lực cho khởi nghiệp.

- Để công khai các thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và kết quả thực hiện của các đơn vị đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư được kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí, giao Văn phòng UBND tỉnh làm việc với Viễn thông Đắk Nông (đơn vị triển khai phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành) xây dựng thêm chuyên mục để trích xuất các văn bản do UBND tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã ban hành trên phần mềm để tạo sự liên kết trực tiếp đến Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử của các đơn vị. Qua đó, góp phần tích cực vào cải thiện chỉ số Tính minh bạch.

- Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, tăng cường kiểm tra hoạt động các website trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn bổ sung các chức năng còn thiếu. Duy trì  hoạt động của các website và đề nghị các cơ quan tạo sự liên kết giữa các website để chia sẻ thông tin nhanh nhất.

- Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các hành vi của cá nhân/tổ chức lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp với mục đích mua bán hóa đơn, chứng từ để trục lợi và những hành vi vi phạm pháp luật khác. Tăng cường công tác an ninh, bảo vệ tài sản doanh nghiệp, triệt phá các băng nhóm côn đồ, xã hội đen, bảo kê để doanh nghiệp yên ổn làm ăn.

Thứ sáu: Tăng cường công tác tuyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp:

- Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường số lượng, thời lượng các chuyên mục về tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời tạo cơ chế chia sẻ các thông tin này để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Trang thông tin của các đơn vị liên quan.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông và các Báo, Đài thường trú trên địa bàn tỉnh đưa tin để phản ánh đa chiều những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư, sự nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh sẽ họp để xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp có sự tham của các Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Định kỳ 2 quý, đối thoại doanh nghiệp 01 lần, đồng thời chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp theo các chuyên đề cụ thể.

Thứ bảy: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã kiểm tra các thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các đơn vị liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, như: quy hoạch, chính sách, đấu giá, đấu thầu, thủ tục hành chính, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kiến nghị và trả lời khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp theo định kỳ hàng tháng; trường hợp kiểm tra nội dung đăng tải thiếu, chưa đầy đủ, cần phải có văn bản nhắc nhở, phê bình và đưa vào tiêu chí xem xét khen thưởng, kỷ luật cuối năm.

Thứ tám: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, bố trí mặt bằng kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến tỉnh tìm hiểu đầu tư, kinh doanh.

Thứ chín: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hướng nghiệp để nhân dân, đặc biệt là thanh niên, những người trong độ tuổi lao động nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề để thay đổi định hướng, thu hút ngày càng nhiều người học nghề; Chỉ đạo Trường trung cấp nghề, các cơ sở dạy nghề của tỉnh liên kết với các Trường nghề tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động của các nhà đầu tư bảo đảm về số lượng, chất lượng và việc làm sau khi học của người lao động.

Thứ mười: Để cải thiện 4 chỉ số thành phần có trọng số cao (chiếm 70% chỉ số PCI), gồm: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, giao Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Thứ mười một: Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và huyện (DDCI) trên địa bàn tỉnh để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các Sở, ngành, huyện, thị xã, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, góp phần cải thiện chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nội dung chủ yếu trong Kế hoạch hành động này, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ban hành Chương trình, Kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương mình. Đối với từng nhiệm vụ được giao phải phân công lãnh đạo chỉ đạo, đơn vị thực hiện, thời gian hoàn thành; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2018 (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).

2. Giao các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt nội dung Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị mình. Công khai kết quả kiểm tra thủ tục hành chính, kết quả xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Định kỳ hàng quý, năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và Chương trình hành động của ngành mình, cấp mình, báo cáo UBND tỉnh (đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp); báo cáo quý gửi trước ngày 15 tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 6, báo cáo năm gửi trước ngày 15 tháng 12.

Kết quả thực hiện việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động để cả hệ thống chính trị tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

             4. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền./.
File đính kèm:
Các bài viết khác

 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 467
ngày hôm nay 3407
ngày hôm qua 3273
tuần này 14663
tất cả 253676