Quy hoạch- kế hoạch

Tình hình kinh tế xã hội

Tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2015
 1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá 2010)  đạt 14.537 tỷ đồng ([1]), tốc độ tăng trưởng đạt 12,14%/kế hoạch trên 12%, trong đó: Khu vực nông nghiệp tăng 7,37%/kế hoạch 7,58%, không đạt kế hoạch; Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,76%/kế hoạch 14%, vượt kế hoạch; Khu vực dịch vụ tăng 18,6%/kế hoạch 19,5%, không đạt kế hoạch đề ra. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chủ yếu là do đầu tư xây dựng tăng, các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ hoàn thành; Khu vực dịch vụ tăng so với cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt kế hoạch đề ra, trong đó: Khu vực nông nghiệp chiếm 49,69%/kế hoạch 49,61%; Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,28%/kế hoạch 24,6%; Khu vực dịch vụ chiếm 24,03%/kế hoạch 23,38%. GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành ước đạt 37,74 triệu đồng/kế hoạch là 35 triệu đồng.
2. Công nghiệp

a. Sản xuất công nghiệp: IIP năm 2015, tăng 10,5% so với năm trước (năm 2014 tăng 7,3%), hầu hết các ngành công nghiệp khác đều có mức tăng khá ([2]). Cơ bản các nhà máy duy trì được sản lượng sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng thu mua nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất, tăng quy mô công suất.

Tuy nhiên, một số nhà máy bị ảnh hưởng bởi giá cả sản phẩm bị suy giảm mạnh hoặc khó khăn trong sản xuất do thiếu nguyên liệu. Bên cạnh đó, do thời tiết năm nay khô hạn, mực nước tại các hồ thủy điện ở mức thấp nên sản lượng một số sản phẩm thấp hơn dự kiến ([3]).

b. Tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm: Dự án Alumin Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, toàn bộ máy móc đã được nhập khẩu, nhà máy tuyển quặng đang hoàn thành công tác vận hành chạy thử, dự án không kịp hoàn thành và cho sản phẩm trong năm 2015 như dự kiến từ đầu năm; như vậy cho đến nay, dự án Alumin Nhân Cơ chậm tiến độ hơn 03 năm, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng kế hoạch và tăng trưởng ngành công nghiệp. Dự án Nhà máy luyện nhôm Đắk Nông, với tổng mức đầu tư 14 ngàn tỷ đồng, hiện đã hoàn thiện khu nhà chuyên gia, nhà điều hành, đã san lấp mặt bằng khởi công và bắt đầu xây dựng phần móng xưởng điện phân. Dự án nhà máy thủy điện Đắk Sin 1, với công suất 27MW, với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, đang vận hành chạy thử trước khi chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

c. Tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp: Việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ đã cơ bản đáp ứng mặt bằng cho nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của Khu công nghiệp Tâm Thắng là 75%; Cụm công nghiệp Thuận An đạt tỷ lệ lấp đầy 61,1%; cụm công nghiệp BMC cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng chưa thu hút được dự án đầu tư; cụm công nghiệp Quảng Tâm và Đắk Song chưa đầu tư xây dựng hạ tầng.
3. Nông nghiệp và nông thôn

a. Trồng trọt:

Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, nắng nóng, khô hạn kéo dài, lượng mưa ít nên tình hình gieo trồng, sản xuất nông nghiệp nhìn chung gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo kịp thời và tổ chức thực hiện chặt chẽ của các địa phương, năm 2015, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 302,4 ngàn ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 400 ngàn tấn, đạt 104,7%, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Các ngành, địa phương luôn tích cực trong công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng nên dịch bệnh đã được khống chế ngay khi phát sinh, không ảnh hưởng lớn đến năng suất và sinh trưởng của cây trồng.

Cây lâu năm phát triển cơ bản ổn định, tổng diện tích cây trồng lâu năm hiện có 188,7 ngàn ha ([4]), tăng 1,23% so với năm trước. Sản lượng thu hoạch tăng so với năm trước ([5]). Chương trình tái canh cây cà phê đang được đẩy nhanh. Tuy nhiên, diện tích cây trồng lâu năm hiện đang phát triển tự phát theo diễn biến thị trường, mà chưa theo quy hoạch.

Trong đó, cây cà phê và hồ tiêu do giữ giá cao trong thời gian tương đối dài nên người dân đầu tư mở rộng diện tích ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sản xuất không hiệu quả vì mở rộng trên diện tích đất có khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, làm gia tăng tình trạng chặt phá rừng, làm nương rẫy. Ngược lại, diện tích cây cao su và điều lại có xu hướng giảm do giá thị trường thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, thực trạng này yêu cầu ngành nông nghiệp phải tăng cường công tác quản lý quy hoạch và thường xuyên hướng dẫn để các ngành, các cấp, doanh nghiệp và hộ nông dân phát triển sản xuất hiệu quả trên những chân đất có thổ nhưỡng phù hợp, theo quy hoạch, giảm rủi ro cho người dân.

b. Chăn nuôi và thủy sản:

Chăn nuôi cơ bản thuận lợi, phát triển khá cả về quy mô và phương thức, nguyên nhân là do việc thành lập trang trại chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đã góp phần nâng cao tổng đàn và tỷ trọng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Thị trường đầu ra ổn định, người dân liên kết chăn nuôi trọn gói với các công ty chăn nuôi lớn, các chính sách của tỉnh phát huy hiệu quả, giá trị kinh tế trong chăn nuôi đã có tăng trưởng đáng kể.

Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do một số dịch bệnh lây lan từ việc nhập giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch([6]). Tuy nhiên, với sự nỗ lực phòng ngừa của cơ quan chức năng, tình trạng lây lan dịch bệnh được ngăn chặn, kiểm soát, tạo tâm lý yên tâm cho cả người nuôi và người tiêu dùng.

 Tình hình nuôi trồng thủy sản ổn định ([7]), được kiểm soát tốt về chất lượng con giống và môi trường nuôi nên dịch bệnh thủy sản không xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng chủ yếu vẫn là các ao hồ nhỏ, người dân chưa tận dụng tốt mặt nước tự nhiện tại các hồ đập, thủy điện.

c. Lâm nghiệp:

Công tác quản lý, giao khoán và trồng rừng có nhiều tiến bộ, đã giao khoán quản lý bảo vệ trên 34,3 ngàn ha, trồng được trên 918 ha, công tác phòng chống cháy rừng triển khai đạt hiệu quả cao, trong kỳ không để xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, công tác trồng rừng thay thế thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra ([8]). Chặt phá rừng tiếp tục diễn biến phức tạp, trong năm xảy ra 285 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại 267,4 ha, tăng 14% số vụ và 140% diện tích rừng bị phá, nguyên nhân là do chủ rừng, các đơn vị chức năng và các sở, ngành, các cấp liên quan buông lỏng quản lý, dẫn đến công tác bảo vệ còn lỏng lẻo, ngăn chặn, xử lý không được kịp thời.

d. Nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới:

Tích cực kêu gọi đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao, cho chủ trương đầu tư 10 dự án, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện dự án và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Triển khai hiệu quả một số dự án, chương trình nông nghiệp công nghệ cao ([9]).

Trong năm, kết quả kế hoạch xây dựng nông thôn mới đạt thấp ([10]). Đối với 8 xã điểm phấn đấu về đích thì trung bình chỉ đạt 11,37 tiêu chí/xã, các tiêu chí còn lại cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, các tiêu chí về văn hóa, môi trường... chưa được quan tâm. Đến nay chỉ có 1 xã công nhận xã đạt nông thôn mới và 1 xã đã cơ bản hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Nhìn chung, công tác xây dựng nông thôn mới vẫn chậm và gặp nhiều khó khăn, nhân lực cấp cơ sở còn yếu, xây dựng nông thôn mới chưa thật sự trở thành sự nghiệp của dân, do dân và vì dân, nguồn lực địa phương và xã hội hóa còn hạn chế nên cơ bản phụ thuộc vào nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương.

4. Thương mại, dịch vụ và du lịch

a. Thương mại: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 10.510 tỷ đồng ([11]), không đạt kế hoạch do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn như cao su, cà phê... ở mức thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hạ tầng thương mại dần được hoàn thiện, thu hút đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị đông dân cư. Từ tháng 6, siêu thị Co.op Mark Gia Nghĩa đi vào hoạt động đã kích cầu tiêu dùng đáng kể của người dân, góp phần bình ổn mặt bằng giá cả hàng hoá chung của địa phương; năm 2016, dự kiến đi vào hoạt động trung tâm thương mại tại huyện Đăk R'Lấp và Cư Jút. Tuy nhiên, hạ tầng thương mại vẫn còn hạn chế, hệ thống cung cấp hàng hóa còn yếu và thiếu, giá cả các loại hàng hóa còn cao so với khu vực và mặt bằng thu nhập của người dân.

b. Kim ngạch xuất, nhập khẩu: Xuất khẩu ước đạt 638 triệu USD ([12]), giảm 9,1% so với cùng kỳ, đạt 91,14% so với kế hoạch. Nhập khẩu ước đạt 227,5 triệu USD ([13]), tăng 97,6% so với cùng kỳ và đạt 189,6% kế hoạch. Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng tình hình chung của thị trường thế giới, hàng hóa nông sản đang gặp khó khăn về đầu ra và giá cả suy giảm mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của một số quốc gia giảm giá đồng nội tệ với biên độ cao ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

c. Vận tải: Hoạt động vận tải tiếp tục đảm bảo nhu cầu của người dân và nền kinh tế ([14]). Kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải được triển khai thường xuyên, hạn chế hư hỏng do phương tiện vận tải gây ra trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ.

            d. Du lịch: Hoạt động du lịch tiếp tục có bước tiến bộ, quảng bá có hiệu quả và thu hút nhiều du khách tham quan tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa và con người Đắk Nông. Phối hợp với Bảo tàng địa chất Việt Nam nghiên cứu quy hoạch hệ thống Hang động núi lửa Krông Nô, trưng bày triển lãm tại Hội nghị Công viên địa chất Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4, tổ chức tại Nhật Bản. Tham gia nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ([15]) của khu vực và toàn quốc, để quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương. Tổng khách và doanh thu du lịch tăng khá ([16]). Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của địa phương còn rất nghèo nàn, doanh thu chưa đáng kể.
5. Đầu tư phát triển và thu hút đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9% so với năm trước, đạt 13.862 tỷ đồng. Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý là 1.602 tỷ đồng ([17]), tập trung đầu tư các dự án cấp thiết, công trình trọng điểm và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được chú trọng, công tác thẩm định dự án được kiểm soát chặt chẽ. Các dự án ODA đảm bảo tiến độ theo hiệp định. Tích cực hoàn tất hồ sơ để ký hiệp định dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới do ADB tài trợ với tổng mức đầu tư 20 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào triển khai trong năm 2016. Vốn FDI đăng ký trong năm 23 triệu USD dự kiến triển khai trong năm 2016 ([18]). Tỷ lệ giải ngân trong năm là 1.300 tỷ đồng, đạt 85,28% kế hoạch ([19]); tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công thì kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau (kế hoạch vốn đầu tư công năm 2015 được phép giải ngân đến 31/12/2016) vì vậy dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2015 đạt 100% kế hoạch giao.

Thu hút đầu tư tăng khá, đảm bảo chất lượng, trong năm cấp chủ trương cho 17 dự án đầu tư, 08 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án, triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư của khu vực Tây nguyên và cả nước, làm việc với các cơ quan ngoại giao, Lãnh sự quán các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
6. Tài chính, ngân hàng và thu chi ngân sách

a. Ngân hàng: Lãi suất trong năm giảm nhẹ so với đầu năm, tổng nguồn vốn huy động đạt 5.475 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng cao, tổng dư nợ cho vay đạt 14.009 tỷ đồng, tăng 26,08% so với đầu năm, tạo nguồn lực đáng kể cho các doanh nghiệp và dân doanh mở rộng sản xuất kinh doanh. Chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể, tổng nợ xấu giảm và nằm trong tầm kiểm soát của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

b. Thu, chi ngân sách: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện cả năm là 1.405 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 3,9% so với năm trước, nguyên nhân là do thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với nông sản và thủy điện. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện là 4.545 tỷ đồng, đạt 100% dự toán địa phương giao, giảm 15% so với năm trước, do số trả nợ vay không đạt kế hoạch, thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên. Tuy nhiên, phần ngân sách địa phương giao cho đầu tư phát triển còn rất nhỏ bé.
7. Phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh

a. Phát triển doanh nghiệp có chuyển biến tích cực do kinh tế ổn định, thúc đẩy doanh nghiệp thành lập, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong năm có 305 doanh nghiệp mới được thành lập, với tổng vốn đăng ký là 1.319 tỷ đồng ([20]). Giải thể và ngưng hoạt động 54 doanh nghiệp, giảm so với các năm trước.

b. Cải thiện môi trường kinh doanh: Ban hành kế hoạch hỗ trợ và đối thoại doanh nghiệp năm 2015, tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt và đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 12/3/2015 của Chính phủ. Vận hành tốt cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký kinh doanh theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp xuống còn 03 ngày.

Tuy nhiên, nhìn chung môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn chậm được cải thiện, các kế hoạch cải thiện chỉ số PCI chưa phát huy được hiệu quả. Tình hình các doanh nghiệp phàn nàn về các vướng mắc trong kinh doanh, nhất là về đất đai, thuế, vốn vay... vẫn còn nhiều và chưa được xử lý, hỗ trợ dứt điểm, thấu đáo cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh thấp.
8. Phát triển kết cấu hạ tầng

a. Hạ tầng giao thông: Kết cấu hạ tầng giao thông có nhiều tiến bộ, tiếp tục được đầu tư, dần hoàn thiện và đồng bộ các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường thôn, bon ([21]). Khởi công và đẩy nhanh tiến độ dự án một số tuyến trường trọng điểm khác như Tỉnh lộ 3, đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê, đường tránh đô thị Gia Nghĩa. Tuy nhiên, nhiều công trình giao thông triển khai chậm tiến độ, gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng và một số đơn vị thi công năng lực còn nhiều hạn chế.

 b. Hạ tầng đô thị: Diện tích cây xanh đô thị được chú trọng đầu tư, hiện toàn tỉnh có 09 công viên cây xanh, với diện tích 1,8 triệu m2. Xử lý rác thải rắn đô thị trong kỳ đạt 84%, chủ yếu do các công ty dịch vụ tư nhân đảm trách. Tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt 16,3%, chậm hơn so với kế hoạch, công tác quản lý đô thị còn một số yếu kém, tình trạng xe chở đất, cát rơi vãi, các xe thu gom rác giờ giấc không theo trật tự và vào giờ cao điểm, gây ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị, tình trạng san lấp, phá vỡ cảnh quan môi trường diễn ra khá phổ biến, công tác quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

c. Hạ tầng cấp thoát nước, cấp điện: Hạ tầng cấp nước tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là khu vực đô thị, nhờ vào việc hoàn thành và sử dụng hiệu quả các dự án ODA do ADB, WB tài trợ ([22]). Hạ tầng điện tiếp tục được đầu tư, cải tạo, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tiếp tục triển khai Dự án điện nông thôn giai đoạn 3 đảm bảo tiến độ của Trung ương đề ra. Tuy nhiên, hệ thống nước sạch nông thôn bị hư hỏng nhiều, công tác quản lý vận hành, bảo trì còn nhiều bất cập, chất lượng mạng lưới điện và trạm hạ áp còn thấp.
9. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

Các hoạt động thông tin - tuyên truyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ được tổ chức với nhiều hình thức phong phú ([23]), tạo không khí sôi nổi phục vụ các sự kiện lớn trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 và Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đăk Nông lần thứ III, năm 2015 ([24]).

Công tác bảo tồn phát huy, phát triển văn hoá dân tộc tiếp tục được chú trọng, tổ chức thường xuyên các hoạt động tập huấn và bảo tồn di sản văn hóa, lễ hội truyền thống. Xây dựng Kế hoạch đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ot’Ndrong của người M’Nông và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cho 21 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã đi vào đời sống cộng đồng dân cư đạt một số tiến bộ.

Các hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, phong trào thể thao quần chúng được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức nhiều giải thể thao các cấp ([25]). Tổ chức đăng cai thành công Giải Quần vợt nam toàn quốc năm 2015 và tham gia 11 giải đấu khu vực và toàn quốc, đạt 51 huy chương thành tích cao các loại. Hạ tầng thể dục thể thao được phát triển theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu luyện tập, thi đấu của người dân ([26]).
10. Giáo dục và đào tạo

            Quy mô ngành giáo dục tiếp tục được mở rộng, năm học mới 2015-2016, toàn tỉnh có 373 cơ sở giáo dục với hơn 156 ngàn học sinh và 11,4 ngàn giáo viên, cán bộ giáo dục. Cơ sở vật chất, trường lớp tiếp tục được đầu tư, thực hiện có hiệu quả các đề án về cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, để phục vụ cho năm học mới, toàn tỉnh đã xây mới 199 phòng học ([27]), 98 công trình nhà vệ sinh và nhiều công trình phụ trợ khác.

            Công tác quản lý giáo dục được đổi mới, kỷ cương nề nếp được củng cố và tăng cường, đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”. Chú trọng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, tổ chức các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý. Triển khai và thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập" và "Xóa mù chữ" trên toàn tỉnh.

            Công tác tổ chức thi PTTH được triển khai nghiêm túc, các cụm thi địa phương không có trường hợp nào vi phạm quy chế ([28]). Kiểm tra và công nhận 8 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 84/357 trường, đạt tỷ lệ 23,5%.

            Tuy nhiên, chất lượng giáo dục khu vực học sinh dân tộc thiểu số vẫn thấp, mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, tỉ lệ các em có điều kiện khó khăn bỏ học còn cao. Bồi dưỡng học sinh giỏi chưa đáp ứng nhu cầu, thành tích còn chưa cao. Cơ sở hạ tầng giáo dục vẫn rất khó khăn, tiến trình xây dựng các trường chuẩn quốc gia còn thiếu nguồn lực. 
11. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

            Ngành y tế đã nỗ lực thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Công tác khám chữa bệnh được tăng cường ([29]). Dịch vụ y tế được bổ sung thêm nhiều kỹ thuật hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu cao hơn của người dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 70%, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế kịp thời, được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập theo quy định.

            Công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường, nhất là các vùng trọng điểm, các cơ sở y tế và cộng đồng. Trong kỳ, các bệnh truyền nhiễm ([30]) đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

            Tuy nhiên, công tác khám chữa bệnh trên toàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế đã cũ và lạc hậu; chất lượng nguồn lực y tế còn chưa cao dẫn đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chưa tốt; việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo.
12. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; đào tạo lao động và giải quyết việc làm

Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công được quan tâm triển. Tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các đơn vị, gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết ([31]). Xây mới và bàn giao 15 căn nhà tình nghĩa. Tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc cho trẻ em, tặng quà và học bổng cho các em vượt khó học giỏi nhân dịp lễ tết. Phối hợp tổ chức cho các em nhiều hoạt động thiết thực như khám tim mạch, phẫu thuật mắt, trao học bổng, giáo dục phòng chống tai nạn thương tích.

Công tác giảm nghèo được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực như: Triển khai xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo bằng nguồn tài trợ của ngân hàng BIDV tỉnh Đắk Nông, tiếp nhận và thực hiện chương trình 68 căn nhà tình thương của Quỹ Thiện Tâm, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm so với cùng kỳ, hiện còn 11,75%, giảm 2%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 38%, giảm 4%, đạt kế hoạch.

Tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo lao động và giải quyết việc làm, đạt kế hoạch đề ra ([32]).
13. Phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông

Tổ chức nghiên cứu, thẩm định và ứng dụng nhiều đề án khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ([33]). Đồng thời, nghiêm túc xử lý các đối tượng vi phạm, góp phần tăng cường thực thi pháp luật về đo lường chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật chuyên ngành trong sản xuất kinh doanh của cá nhân và tổ chức.

Đưa vào sử dụng có hiệu quả Hệ thống thư điện tử tỉnh Đắk Nông, tiếp tục triển khai phần mềm quản lý văn bản nội bộ eOffice trong các cơ quan nhà nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin, xử lý công việc.

Công tác tuyên truyền được chú trọng, công tác báo chí, phát thanh, truyền hình đảm bảo thông suốt, kịp thời phổ biến những vấn đề thực tiễn, nổi cộm trong xã hội, liên quan đến quyền lợi người dân ([34]).
14. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

            Đã tích cực triển khai công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, công dân và kế hoạch đã đề ra. Tổ chức Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh theo quy định của Trung ương; hướng dẫn các huyện, thị xã điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 cấp huyện.

            Công tác quản lý khoáng sản được tăng cường và có một số tiến bộ, đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh ([35]). Triển khai tích cực hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.
15. Công tác cải cách hành chính, tư pháp

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, về ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện một cửa liên thông hiện đại tại 07 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số đơn vị cấp xã thực hiện một cửa liên thông hiện đại lên 20/71 đơn vị cấp xã, chiếm 28%. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2014) đạt 76,25%, thấp hơn 1,23 điểm %, xếp hạng 55/63 tỉnh thành, giảm 19 bậc so với năm 2013.

Triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ, về chính sách tinh giản biên chế. Tiếp tục kiện toàn bộ máy nhà nước và công vụ, công bố quy định chức năng, nhiệm vụ của 04 tổ chức ([36]), ban hành thành lập và kiện toàn 19 tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu các công việc liên ngành có hiệu quả, kịp thời.

Công tác xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nề nếp, các văn bản thẩm định có chất lượng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương mới ban hành được chủ động tham mưu, đảm bảo tính kịp thời, theo tiến độ đề ra.

Tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố có sự tổ chức cầm đầu, xúi dục, kích động của các phần tử xấu, một số trường hợp đã được rà soát, giải quyết đúng quy định nhưng vẫn khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, đông người còn chậm, hiệu quả xử lý khiếu nại tố cáo cấp cơ sở còn thấp.
16. Đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác dân tộc, tôn giáo và  đối ngoại

Tình hình quốc phòng, an ninh và biên giới ổn định. Chủ động nắm tình hình ở cơ sở, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự. Bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ([37]).

Công tác tôn giáo được quan tâm, giải quyết kịp thời nhu cầu tôn giáo thuần túy ([38]), tạo sự đồng thuận, ủng hộ của bà con giáo dân với các cấp chính quyền. Triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, ổn định dân cư của Trung ương và địa phương ([39]), góp phần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, góp phần ổn định an ninh chính trị.

Triển khai nhiều hoạt động tăng cường củng cố quan hệ, hợp tác, giao lưu với tỉnh Mondulkiri với mục đích xây dựng và giữ gìn biên giới hoà bình, ổn định tạo điều kiện thuận lợi hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015 - 2020 giữa tỉnh Đăk Nông và tỉnh Mondulkiri. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tích cực hợp tác, trao đổi với các cơ quan, đơn vị của tỉnh Mondulkiri thông qua các buổi hội nghị, hội đàm để tăng cường hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh.

  •  Đánh giá chung

            Trong 21 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội (gồm 10 nhóm chỉ tiêu kinh tế và 11 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội) đặt ra tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, ngày 18/12/2014 của HĐND tỉnh, thì có: 17 nhóm chỉ tiêu đã đạt kế hoạch, chiếm 81% ([40]); 04 nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch chiếm 19%. Trong đó, 04 nhóm chỉ tiêu không đạt, gồm:

            - Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ là 10.510 tỷ đồng/KH 12.000 tỷ đồng, do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn như cao su, cà phê... ở mức thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên tổng cầu tăng thấp, do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ, nhưng không đạt cao như dự kiến.

            - Kim ngạch xuất khẩu đạt 638 triệu USD/KH 700 triệu USD, do tình hình chung, nhu cầu và giá cả thị trường thế giới tiếp tục giảm đối với một số mặt hàng nông sản, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh nên giá trị và sản lượng xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ ([41]).

            - Tiêu chí nông thôn mới: Bình quân mỗi xã chỉ tăng 0,4 tiêu chí/KH 2 tăng tiêu chí; Các xã điểm tăng 0,8 tiêu chí/KH tăng 3 tiêu chí; 02 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới/KH 08 xã. Nguyên nhân là do thiếu nguồn lực đầu tư, hiện nay Chương trình chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ, được phân bổ rất ít so với nhu cầu, ngân sách tỉnh khó khăn, không có nguồn phân bổ vốn cho Chương trình Nông thôn mới mà hầu hết lồng ghép theo các chương trình mục tiêu khác, trong khi công tác xã hội hoá hiệu quả đạt thấp. Đồng thời, các tiêu chí còn lại cũng khó đạt vì phải đầu tư vốn lớn. Ngoài ra, cấp cơ sở còn chưa chú trọng đến các chỉ tiêu văn hóa, môi trường... nên nhìn chung các chỉ tiêu này vẫn đạt thấp.

            - Trồng mới rừng tập trung 1.000 ha/KH 1.100 ha. 

            Nhìn chung, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đạt khá, tăng trưởng kinh tế ổn định, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút đầu tư tăng mạnh, các dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ, các dự án quốc lộ hoàn thành đã tạo động lực phát triển, dịch vụ và du lịch tăng trưởng khá. Văn hóa, xã hội phát triển đồng đều, quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao, ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng. Khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. Cải cách hành chính được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Hoạt động đối ngoại chuyển biến tích cực. An ninh, quốc phòng đảm bảo ổn định. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thiếu tính bền vững, hạ tầng thương mại thiếu đồng bộ, môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, giáo dục đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, chất lượng các dịch vụ y tế còn bất cập, giảm nghèo chưa bền vững, hiệu quả đào tạo nghề còn thấp, an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.


[1] Trong đó: Khu vực Nông nghiệp đạt 6.713 tỷ đồng; Công nghiệp - Xây dựng đạt  4.319 tỷ đồng; Dịch vụ đạt 3.533 tỷ đồng.

[2] Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng các loại tăng7.12%; Đường RS tăng 4.83%; Cà phê bột tăng17.65%; Ván MDF tăng 42.85%; Bàn, ghế, giường, tủ… bằng gỗ tăng  0.86%; Phân vi sinh tăng 37.5%; Tinh bột sắn tăng 7.69%; Đậu phụng, đậu nành sấy tăng 41.67%; Bồn Inox, bồn nhựa tăng 3.15%; Điện Thương phẩm tăng 10.75%; Nước máy tăng 25.28%.

[3] Một số sản phẩm không đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2014: Điện sản xuất: -2.19%, Mủ cao su: -3.75%; Gỗ cưa xẻ XDCB : -66.67%;  Chế biến cà phê nhân: -20%.

[4] Diện tích cà phê hiện có 119.490 ha; chiếm 63,23%; Diện tích cây cao su 31.378 ha, chiếm 16,25%; Diện tích tiêu hiện có 16.265 ha, chiếm 8,57%; Diện tích điều hiện có 15.656 ha, chiếm 8,23%.

[5] Sản lượng tiêu đạt 21.351 tấn; Cao su mủ tươi đạt 22.816 tấn; Sầu riêng đạt 4.258 tấn.

[6] Trong năm đã xảy ra dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm xảy ra rải rác trên địa bàn 4/8 huyện, thị xã.

[7] Cả năm, diện tích nuôi trồng đạt 1.650 ha đạt 100% kế hoạch đề ra, tổng sản lượng thủy sản đạt 4.100 tấn, đạt 100% kế hoạch đề ra.

[8] Đến nay mới chỉ giao được trên 1.712 ha/3.687,7 ha cho các chủ rừng, trồng được 256 ha, chỉ đạt 6,9% kế hoạch đề ra

[9] Các dự án Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt, chương trình phát triển cà phê bền vững. Bước đầu nghiên cứu và triển khai các đề án thử nghiệm giống, tăng năng suất: Đề án phát triển đàn bò thịt; Dự án mô hình trồng thử nghiệm cây siêu cao lương; Mô hình sản xuất cà phê được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C.

[10] Trung bình toàn tỉnh tăng 0,4 tiêu chí/xã, đạt 20% (kế hoạch: 2 tiêu chí/xã); Riêng xã điểm tăng 0,8 tiêu chí/xã, đạt 26,66% (kế hoạch: 3 tiêu chí/xã); Bình quân chung toàn tỉnh đạt 8,5 tiêu chí/xã, đạt 68% (kế hoạch: 12,5 tiêu chí/xã); Số xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên: 4/5 xã, đạt 80% .

[11] Đạt 87,58% KH, tăng 4,2% so với năm trước.

[12] Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước ước đạt 55 triệu USD, chiếm 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu,; khối các doanh nghiệp nước ngoài ước đạt  583 triệu USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

[13] Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước ước đạt 7,5 triệu USD, chiếm 3,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; khối các doanh nghiệp nước ngoài ước đạt 220 triệu USD, chiếm 96,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

[14] Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 đơn vị kinh doanh vận tải, với 112 tuyến vận tải đến gần khắp các vùng cả nước. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 2,4 triệu hành khách, tăng 4,3% so với năm trước; Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 1,4 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm trước.

[15] Tham gia: Hội chợ, triển lãm tại Phú Thọ; Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đăng tin quảng bá trên các tạp chí du lịch, công bố ấn phẩm "Du lịch Đắk Nông - Tiềm năng và cơ hội đầu tư" "Cẩm nang du lịch Đắk Nông".

[16] Tổng khách du lịch đạt trên 165 ngàn lượt khách, tăng 7% so với năm trước. Doanh thu ngành du lịch đạt trên 18,4 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm trước.

[17] Trong đó bao gồm: nguồn Ngân sách Nhà nước là 1.173,8 tỷ đồng; vốn Trái phiếu Chính phủ là 289,5 tỷ đồng; vốn ODA là 61,65 tỷ đồng; vốn vay tín dụng là 90 tỷ đồng.

[18] UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 01 dự án với tổng mức đầu tư là 3 triệu USD, đồng ý cho phép 02 công ty nước ngoài (Nhật Bản) khảo sát để đầu tư dự án cây cao lương, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 20 triệu USD.  Toàn tỉnh có 07 dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư đăng ký là 40,48 triệu USD.

[19] Trong đó giải ngân nguồn NSNN là 946,379  tỷ đồng; vốn Trái phiếu Chính phủ là 275,607 tỷ đồng; vốn ODA là 620,116  tỷ đồng; vốn vay tín dụng là 45 tỷ đồng. Chi tiết theo báo cáo giải ngân..

[20] Nâng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 3.587 đơn vị, với tổng vốn đăng ký hơn 24 ngàn tỷ đồng

[21] Nâng tỷ lệ nhựa hóa đường tỉnh lên 100%, tỷ lệ nhựa đường huyện đạt 80%, tỷ lệ các bon buôn có 1-2 km đường nhựa đạt 100%, tỷ lệ nhựa hóa chung đạt 55%.

[22] Thị xã Gia Nghĩa triển khai dự án cấp nước của ADB, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2014; Dự án cấp nước đô thị Việt Nam, do WB tài trợ triển khai trên địa bàn 4 huyện, Đắk GLong, Krong Nô, Cư Jut và Đắk Rlấp đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

[23] Tổ chức 06 cuộc trưng bày những thành tựu văn hoá, xã hội phục vụ sự kiện chính trị với 989 hình ảnh, hiện vật; 56 buổi văn nghệ phục vụ nhân dân; tổ chức được 28 buổi chiếu phim lưu động; tổ chức biểu diễn 60 chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện lớn tại cơ sở.

[24] Các hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng; kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam; 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9; 10 năm Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

[25] Các giải thể thao: Giải việt dã tỉnh lần thứ X và chạy Olympic vì sức khỏe năm 2015; Giải vô địch bóng chuyền nam, nữ năm 2015, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số năm 2015; 30 giải khác ở cấp tỉnh; Mỗi huyện trung bình tổ chức 2-3 giải chuyên nghiệp, 10 giải quần chúng.

[26] Đến nay, toàn tỉnh có 94 sân bóng đá Mini, 33 sân quần vợt, 04 bể bơi, 02 khu TDTT tập trung.

[27] Trong đó: Mầm non: 108 phòng; Tiểu học: 57 phòng; THCS: 8 phòng; THPT: 26 phòng.

[28] Toàn tỉnh có 5.470 em thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đậu đạt 89,95%.

[29] Bệnh viện đa khoa tỉnh đã khám và chữa bệnh cho trên 69,4 ngàn lượt người, điều trị nội trú cho trên 13,8 ngàn lượt người. Các bệnh viện tuyến huyện khám và chữa bệnh cho trên 193,6 ngàn lượt người, điều trị nội trú cho trên 26,2 ngàn lượt người.

[30] Dịch sốt xuất huyết: 228 ca mắc; Dịch sốt rét: 292 ca mắc; Dịch Tay chân miệng: 110 ca mắc;

[31] Tặng quà nhân dịp lễ, tết cho các đơn vị, gia đình chính sách với hơn 9.300 suất. Tặng 9.200 suất quà nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sỹ, tổ chức cứu đói giáp hạt năm 2015 cho 3.220 hộ, với 10.788 nhân khẩu.

[32] Trong năm, đã tạo được việc làm mới và việc làm tăng thêm cho 19 ngàn lượt người, tăng 5,2% so với năm trước. Đào tạo nghề cho 5.700 người, tăng 14% so với năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%.

[33] Các đề án, dự án ứng dụng công nghệ triển khai trong kỳ: “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để canh tác ngô, lúa, cà phê bền vững tại huyện Cư Jut và huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông”, “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt theo hướng chất lượng cao tại tỉnh Đăk Nông”, "Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất cây Lan gấm tại tỉnh Đăk Nông", "Xây dựng mô hình trồng cây Sa nhân tím trên địa bàn tỉnh Đăk Nông"; ‘‘Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây cỏ ngọt trên một số vùng sinh thái tại tỉnh Đăk Nông”, Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu và cây ăn quả tại tỉnh Đăk Nông"; ‘Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với cung cấp phân bón cho cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông".

[34] Tuyên truyền Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền về Biển Đảo, Đắk Nông chung tay xây dựng nông thôn mới...

[35] Cấp 06 giấy phép thăm dò khoáng sản, cấp 04 giấy phép khai thác khoáng sản, thanh tra 19 tổ chức, xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản.

[36] Gồm: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, Thanh tra tỉnh.

[37] Tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 mặt, về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ. Giảm 2 vụ, 9 người chết và 8 người bị thương so với cùng kỳ.

[38] Trong năm, đã chấp nhận cho phép thành lập 07 tổ chức tôn giáo cơ sở, giao 04 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, cho chủ trương xây dựng 10 cơ sở thờ tự. Chấp thuận phong chức, bổ nhiệm thuyên chuyển 6 trường hợp.

[39] Chính sách của Trung ương: Chương trình 135; Chương trình hỗ trợ đất ở, sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 755 của TTg; Chương trình định canh, định cư theo Quyết định 33 của TTg; Chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh theo quyết định 139 của TTg;…Các chính sách của Địa phương như: Quyết định 943 về tăng cường công tác dân tộc; Chương trình 1643 về phát triển bon, buôn có đồng bào DTTS; Dự án quy hoạch ổn định dân cư tự do trên địa bàn tỉnh; Chính sách đối với học sinh, sinh viên đồng bào DTTS tại chỗ; …

[40] Tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Sản lượng lương thực có hạt; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; Chi ngân sách địa phương; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Phát triển kết cấu hạ tầng; Chỉ tiêu về dân số; Chỉ tiêu về giáo dục; Chỉ tiêu về y tế; Chỉ tiêu về việc làm; Chỉ tiêu về văn hóa; Chỉ tiêu về giảm nghèo; Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; Chỉ tiêu về môi trường và xây dựng nhà tình nghĩa đều đạt kế hoạch đề ra.

[41] Sản lượng Cà phê giảm 39%; đậu phộng sấy giảm 29%; sắn tinh bột giảm 87%; cao su giảm 77%. 

File đính kèm:
Các bài viết khác

 
Thông báo
Website liên kết
Thăm dò dư luận
Lĩnh vực thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phiền hà nhất khi thực hiện tại tỉnh Đắk Nông








Thống kê truy cập
trực tuyến 128
ngày hôm nay 909
ngày hôm qua 3355
tuần này 10290
tất cả 185979